Thông tin nhân sự

Thông tin nhân sự

Những điều nên và không nên khi đi xin việc

  1. Nên

– Đến sớm trước 10 phút.

– Ngoại hình trang nhã, trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, trang điểm vừa phải, không quá lòa loẹt.

– Luôn mỉm cười, mặt luôn tươi, thể hiện nét rạng ngời.

– Tự tin đối diện, nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng, như vậy họ mới tin tưởng ở bạn.

– Chỉ nên hỏi những câu cần hỏi, liên quan đến công ty, công việc.

– Cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà tuyển dụng.

– Xin phép ghi vào sổ tay những điều mà nhà tuyển dụng căn dặn.

– Lắng nghe chăm chú, kỹ càng những điều nhà tuyển dụng đang nói.

– Tỏ ra nhiệt tình và có thiện chí với mọi công việc được giao.

– Trình bày những kinh nghiệm mà bản thân có được.

  1. Không nên

– Đến trễ giờ.

– Bắt tay nhà tuyển dụng quá mạnh bạo, sẽ gây khó chịu cho họ.

– Nhìn đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường.

– Nói với nhà tuyển dụng rằng đây là cuộc gặp gỡ duy nhất.

– Liếc đọc các tài liệu trên bàn.

– Nói xấu công ty cũ, sếp cũ.

– Nói chuyện liên quan đến chính trị.

– Tỏ vẻ mình là người giỏi về mọi thứ.

– Tỏ ra mình là người làm việc không vì kế sinh nhai mà làm vì ham hiểu biết.

– Chấp nhận nhận lương thấp, vì nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ về khả năng của bạn.

– Nói quá nhiều về việc cá nhân.

– Nói khoác, sẽ làm nhà tuyển dụng thiếu tin tưởng ở bạn.

Nguồn: kosaido-hr.com

Phỏng vấn xin việc – Những kinh nghiệm xương máu

hững câu chuyện có thật khi đi phỏng vấn xin việc của các bạn trẻ nước ngoài sẽ là kinh nghiệm xương máu cho những ai chuẩn bị đi xin việc. Và bạn hoàn toàn có thể kiếm được những bài học tuyệt vời từ những câu chuyện đó.

Xôi hỏng, bỏng không!

“Tôi thấy mình không thích hợp lắm với công việc đầu tiên nên trong vòng vài tháng, tôi đã cố gắng đi tìm việc mới. Sau một thời gian, cuối cùng, một công ty đồng ý nhận tôi vào vị trí quản lý – mà đó lại là một công ty hợp với ngành học của tôi. Tất nhiên, tôi mừng húm và thông báo với công ty cũ là mình sắp nghỉ việc để họ chuẩn bị thủ tục. Nhưng đúng một tuần sau khi tôi xin nghỉ việc, công ty mới lại gọi điện và bảo tôi rằng họ vừa mới tái đánh giá tình hình tài chính, và huỷ bỏ quyết định nhận một quản lý mới – là tôi!

Quá hốt hoảng, tôi lúp cúp đi tìm chị sếp của công ty mình đang làm việc để nói rằng tôi cũng… huỷ bỏ cái quyết định xin thôi việc của mình. Nhưng tôi không thể tìm được chị ấy, vì chị ấy có lịch họp suốt ngày. Thế là trong cuộc họp cơ quan ngày hôm sau, chị ấy đã thông báo trước tất cả mọi người rằng tôi sắp thôi việc. Tôi chẳng còn cách nào khác ngoài cách thú nhận tình thế khó khăn của mình và xin được ở lại công ty – trước mặt tất cả mọi người. Chị sếp đồng ý cho tôi ở lại, nhưng chỉ trong 2 tháng, và nói rằng đó là thời gian để tôi tìm công việc mới”. (Julie N., 23 tuổi)

Kết luận: Luôn luôn và xác nhận chắc chắn một chỗ làm mới trước khi bạn rời bỏ chỗ làm cũ.
Ác mộng phỏng vấn xin việc

“Sau khi ra trường, tôi đi làm tiếp thị trong khi chờ tìm được một công việc ổn định. Việc tiếp thị của tôi đơn giản là đi từng nhà (chỉ mặc sơmi bỏ trong quần) bán những phiếu giảm giá mua dầu xe máy. Trong một lần đi tiếp thị, tôi nhận được điện thoại của công ty mà tôi đã nộp đơn, nói rằng họ sẽ có “một buổi gặp gỡ thân mật” với tôi để nói chuyện về “những mục tiêu sự nghiệp”, nhưng ở ngay trong một quán café cạnh công ty. Cho rằng nếu chỉ là cuộc gặp gỡ ở quán café thì cũng không quá trang trọng, nên tôi cứ mặc nguyên quần áo đơn giản như vậy đi đến buổi hẹn. Thật khủng khiếp, cái “quán café đơn giản” mà tôi tưởng tượng hoá ra lại là một nhà hàng kiểu nước ngoài sang trọng, và chờ tôi là 3 vị sếp của công ty, ai cũng mặc complet và đeo cravat đàng hoàng. Hậu quả là tôi mất tự tin đến nỗi chẳng nói được câu nào ra hồn, và cuối cùng… xin cáo lỗi về sớm, lấy lý do là có việc bận! Thậm chí, tôi cũng chẳng bao giờ quay lại công ty đó nữa”. (Phil G., 22 tuổi).

Kết luận: Khi được mời đến phỏng vấn, bạn hãy hỏi thật rõ về địa điểm, cách ăn mặc và nếu cần thiết hơn, thì hỏi xem có những ai sẽ phỏng vấn bạn.
Xui hơn cả thứ sáu, ngày 13

“Một trong những việc tôi phải làm đầu tiên khi được nhận vào làm supervisor là phỏng vấn các ứng cử viên để chọn ra một người cho vai trò trợ lý hành chính. Sếp rất tin tưởng và giao cho tôi toàn bộ khâu tổ chức, dù bản thân tôi cũng là một nhân viên mới. Tôi quyết định gây ấn tượng mạnh bằng cách dựng rạp ngoài trời để phỏng vấn, vì công ty tôi là công ty quảng cáo, toàn người trẻ, và tôi tin rằng tạo phong cách trẻ trung, sáng tạo là rất quan trọng. Không may, đêm hôm trước, trời mưa rất to và một số phần của rạp bị dột. Nhưng không sao, tôi tin rằng vẫn sẽ tạo được ấn tượng tốt với phong cách này. Mỗi ứng cử viên phải làm một bài dự thi trên giấy. Khi một cô gái ngồi vào bàn, tôi nghe tiếng “crack!”, rồi “sụp!”, và cả mảng rạp phía trên cô ấy đổ sập xuống do sức nặng của nước mưa đọng phía trên. Cô gái đó tuy không bị thương nhưng ướt nhẹp từ đầu đến chân, và cô ấy lịch sự nói rằng cô ấy không có hứng thú nữa với công việc ở “một công ty thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng” như công ty chúng tôi”. (Leigh S., 25 tuổi)

Kết luận: Luôn phải chuẩn bị ô cho những ngày trời mưa – tức là luôn phải có “kế hoạch B” cho những trường hợp xấu.
Ảo tưởng đổ vỡ

“Tôi lái xe gần 60km tới buổi phỏng vấn xin việc ở một công ty lớn. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ, sẵn sàng gây ấn tượng bằng cách trả lời bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến bản resumé rất hoành tráng của mình. Khi tôi ngồi xuống bàn phỏng vấn, vị quản lý của công ty mới (người phỏng vấn tôi) chỉ hỏi đúng một câu: “Bạn có thể tự giới thiệu về mình được chứ?”. Sau khi tôi tự tin giới thiệu ngắn gọn trong tròn 90 giây, cô ấy bảo rằng đó là tất cả những gì cô ấy có thể hỏi, và hỏi ngược lại là tôi có câu hỏi nào không. Bị hẫng như vấp phải ổ gà, tôi không biết phải hỏi gì, vì tôi chẳng biết gì nhiều về công ty mới mà hỏi. Thế là tôi bắt đầu… phỏng vấn ngược lại cô ấy, nào là cô ấy đã học ngành gì, vị trí đang làm là gì, phong cách công ty mới là thế nào… Sau khi trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, cô ấy mỉm cười nói: “Tất cả những điều bạn vừa hỏi tôi, lẽ ra bạn phải biết từ trước khi đến buổi phỏng vấn xin việc này mới đúng”. Tôi rời khỏi buổi phỏng vấn, và biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ được công ty mời đến làm việc”. (Matthew H., 24 tuổi).

Kết luận: Nghiên cứu kỹ về các chính sách, phong cách văn hoá… của công ty và chuẩn bị sẵn một số câu hỏi có liên quan trước khi đến phỏng vấn xin việc.

Nguồn http://laodong.com.vn/

Nâng cao hiệu suất làm việc nơi công sở

 

Công việc bận rộn cùng với những áp lực nơi công sở đôi khi khiến nhiều người cảm thấy 24 giờ một ngày là không đủ để hoàn thành mọi việc. Tuy nhiên thực tế, bạn vẫn có thể cân bằng công việc và cuộc sống nếu biết áp dụng câu nói “Work Smart, Not Hard”. CareerLink.vn sẽ chia sẻ cùng bạn những bí quyết giúp bạn nâng cao hiệu suất làm việc và giúp bạn thành công hơn dù trong bất cứ lĩnh vực nào.

 

Lên kế hoạch làm việc khoa học

 

Để đạt được hiệu quả và năng suất làm việc cao, việc trước tiên bạn cần phải làm chính là lên kế hoạch thực hiện những việc cần phải làm từ trong ngày, hàng tuần rồi đến hàng năm và cuối cùng là những mục tiêu dài hạn trong sự nghiệp, chia nhỏ khối lượng công việc, xác định thời hạn từng nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Đây là cách hiệu quả nhất trong việc quản lí thời gian vì nó giúp bạn xác định được tầm quan trọng của từng công việc cụ thể, từ đó phân bổ thời gian hợp lý để đạt được năng suất tối đa. Bạn cũng nên để ra một chút thời gian trống trong lịch làm việc của mình vì có thể sẽ có những việc bất ngờ xảy ra đòi hỏi bạn phải xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

 

Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên

 

Tâm lý chung của rất nhiều người là việc dễ làm trước, khó giải quyết sau. Tuy nhiên một người thành công lại là người biết tập trung làm công việc mang lại giá trị cao, được ưu tiên. Như vậy, tùy theo mức độ quan trọng và gấp rút về mặt thời gian, bạn nên chia công việc thành 4 mục nhỏ, gồm: những việc cấp thiết nhưng không quan trọng, những việc quan trọng nhưng không cấp thiết, những việc không cấp thiết nhưng quan trọng và những việc không cấp thiết cũng không quan trọng. Theo đó khoảng thời gian phân bổ cho những công việc cần ưu tiên cao với những công việc có độ ưu tiên thấp cũng sẽ có sự khác nhau. Bạn luôn có quyền được tự do chọn lựa. Hãy đưa ra quyết định chọn thứ tự công việc thật thông minh.

 

Quyết đoán và hành động nhanh chóng

 

Trái ngược với quyết đoán là sự trì hoãn – kẻ trộm thời gian lớn nhất của bạn. Sự chần chừ hay trì hoãn sẽ đánh cắp thời gian và lãng phí cơ hội đang ở ngay trước mắt bạn. Chính vì thế, thay vì tự nhủ “để ngày mai làm cũng được”, bạn nên giải quyết các công việc nhiều nhất có thể để tránh bị quá tải vào ngày hôm sau. Sự chủ động và quyết đoán trong công việc sẽ giúp bạn giảm thiếu tối đa thời gian “chết” và nâng cao hiệu suất làm việc.

 

Đừng để bản thân dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh

 

Đây chính là một trong những bí quyết giúp bạn luôn giữ tinh thần tập trung cao độ và làm việc một cách hiệu quả nhất. Hãy hình dung bạn sẽ lãng phí bao nhiêu thời gian nếu cứ 5 phút lại quay sang nói chuyện với người bên cạnh hay check Facebook, tin nhắn văn bản, gọi điện thoại… Một người thành công sẽ biết cách dành thời gian để tập trung làm việc chứ không phải để lập hội buôn dưa lê nơi công sở. Vì vậy bạn hãy tập trung tất cả sức lực và trí tuệ cho công việc, điều đó không chỉ đem lại kết quả công việc cao mà còn giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

 

Bỏ qua những email không cần thiết

 

Một trong những nguyên nhân khiến hiệu suất làm việc của nhiều người không cao chính là do mải mê xử lý những email không cần thiết. Một nghiên cứu cho thấy có đến 80% email trong hộp thư mỗi ngày đều là những email không quan trọng. Đó có thể là thư rác hay ý kiến qua lại giữa các nhân viên về một vấn đề lâu dài. Vì vậy thay vì chăm chăm check email, bạn nên tập trung giải quyết các công việc trong ngày và dành một khoảng thời gian nhất định để tổng hợp các thông tin từ email. Tuy nhiên, nhớ chú ý những email được đánh dấu “khẩn cấp” bởi nếu không bạn sẽ bỏ lỡ những công việc quan trọng.

Nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn

 

Lắng nghe là một yếu tố kỳ diệu giúp bạn tạo dựng được mối quan hệ bền lâu và nâng cao hiệu suất làm việc. Khi bạn biết cách lắng nghe, bạn sẽ nhận được những ý kiến từ đồng nghiệp hay lãnh đạo nhằm đóng góp cho công việc của bạn. Chính vì vậy, thay vì chăm chăm bày tỏ ý kiến của mình mà phớt lờ ý kiến của người khác, bạn hãy tập trung lắng nghe và giải quyết công việc của mình hiệu quả nhất. Chất lượng công việc chứ không phải bài nói vô bổ chính là thước đo sự thành công của bạn tại công ty.

 

Tự đánh giá và ghi nhận thành quả của bản thân

 

Hiệu suất được tính toán dựa vào cách phân bổ thời gian để hoàn thành công việc theo cách hiệu quả nhất chứ không dựa vào việc một người tốn bao nhiêu thời gian để hoàn thành việc đó. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành công việc, bạn nên tự đánh giá những điều đã làm được, những việc còn thiếu sót, đồng thời không quên tự thưởng cho những cố gắng và thành công của bạn. Việc ghi nhận thành công giúp bạn tự tin để sẵn sàng gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Mỗi ngày bạn chỉ có 24 tiếng, điều quan trọng là bạn biết cách dùng thời gian đó như thế nào. Như vậy, chìa khóa để đạt được năng suất làm việc tối đa là ý thức được thời gian của bạn nên sử dụng vào việc gì và làm ra sao. Chúc bạn thành công.

 

Nguồn: Internet